Vụ vỡ hụi 20 tỷ ở Thanh Hóa: Nhiều gia đình khốn đốn, rơi vào nghịch cảnh vì lòng tin sai chỗ

   

Dù nhiều lần được cơ quan chức năng cảnh báo về rủi ro khi tham gia chơi "hụi, họ" nhưng người dân vẫn bất chấp mang tài sản đi đóng góp, phần vì sự tin tưởng, phần vì lòng tham những khoản lãi nhỏ được các chủ hụi trả. Để rồi đến khi mất trắng thì mới ngỡ ngàng...

Báo VietNamnet đưa tin, gần 1 tháng trở lại đây, người dân phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đứng ngồi không yên khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ và bỏ trốn khỏi địa phương. 

Nguồn tin cho biết, sự việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Theo đó, Công an TP Sầm Sơn xác định hơn 2 năm qua, vợ chồng bà Trương Thị Dung và ông Vũ Tiến Tại (trú phường Quảng Vinh) đã đứng ra kêu gọi khoảng 100 người trên địa bàn tham gia góp hụi với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Công an đã mời các bên liên quan lên làm việc để xác minh, làm rõ vụ việc.

Theo người dân địa phương, khi đến ngày lấy tiền gốc và lãi của hụi, nhiều người đến nhà lấy tiền nhưng bà Dung khất nợ nhiều lần không trả. Sau đó, vợ chồng bà Dung đứng ra xin mọi người không trả tiền lãi mà chỉ hoàn lại số tiền gốc, hẹn hôm sau đến lấy tiền.

Thế nhưng, một thời gian sau đó, dân làng chết lặng khi vợ chồng bà Dung tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng trả tiền. Điều đáng nói, hai chỉ hụi hiện đã đi khỏi địa phương và cắt đứt mọi liên lạc, khiến người dân như "ngồi trên đống lửa" vì số tài sản lớn đã "không cánh mà bay".

An ninh - Hình sự - Vụ vỡ hụi 20 tỷ ở Thanh Hóa: Nhiều gia đình khốn đốn, rơi vào nghịch cảnh vì lòng tin sai chỗ
Rất nhiều người dân bất lực rơi vào nghịch cảnh khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ và bỏ trốn. Ảnh: VietNamnet.

Là một trong số nạn nhân, bà Phạm Thị Thanh (55 tuổi, trú phường Quảng Vinh) mất gần 300 triệu đồng cho biết, số tiền các hộ dân góp hụi cho bà Dung là tiền người dân tích góp cả đời và là tiền từ đền bù đất, tiền bán rau, cá ở chợ... Họ đóng hụi với mong muốn có chút vốn phòng khi bệnh tật, về già, nuôi con ăn học, sửa sang nhà cửa.

“Tôi bị tai nạn phải mổ ở chân nhiều lần. Đến tháng 9 âm lịch, tôi định lấy hụi để đi phẫu thuật rút đinh ở chân ra nhưng giờ họ tuyên bố vỡ nợ thì không biết lấy tiền đâu đi mổ chân”, bà Thanh cho hay.

Ngoài ra trong số hơn 100 người đưa tiền cho vợ chồng bà Dung, có những người đã tin tưởng mà "góp hụi" hàng tỷ đồng. Như trường hợp bà Lưu Thị Lan (70 tuổi) vừa khóc vừa kể: “Tôi dành dụm cả đời từ nuôi gà, nuôi lợn, làm ruộng và tiền chồng tôi về hưu gửi ngân hàng hơn chục năm nay đều rút hết ra cho bà Dung vay gần 1,7 tỷ đồng. Nhưng bây giờ mất hết rồi, không còn gì cả”.

Theo bà Lan, đầu năm nay bà được bà Dung gọi điện gạ gẫm vay tiền nên đã giấu chồng rút hết tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đưa cho bà Dung. Không những tham gia đóng hụi của bà Dung, bà Lan còn rủ con trai cùng tham gia với số tiền hàng chục triệu đồng.

Đến hẹn trả tiền, bà Lan đến đòi nhiều lần nhưng vợ chồng bà Dung không trả và chỉ viết cho tờ giấy xác nhận nợ. Trong nhà không còn tiền sinh hoạt, bà Lan phải bán 2 con chó được gần 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Gia đình ông Hoàng Danh Việt (trú phường Quảng Vinh) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Gia đình tôi bán đất lấy tiền xây nhà cho con. Do năm ngoái không được tuổi nên chưa xây được nhà. Số tiền 400 triệu đồng tôi cho bà Dung vay và hẹn tháng 6 âm này lấy về làm nhà nhưng đòi mãi không được. Giờ thì tiền không đòi được, nhà cũng không biết đến khi nào mới xây được”.

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết:  “Vợ chồng tôi cưới nhau 7 năm nhưng do hiếm muộn, tôi đóng tiền hụi để tháng 9 âm lấy tiền đi cấy phôi. Giờ chủ hụi vỡ nợ, gia đình cũng không biết lấy tiền ở đâu”.

Được biết, trong những người chơi hụi với nhà bà Dung có gia đình nhiều người như bố mẹ, anh chị em đều tham gia. 

Liên quan đến sự việc, Thượng tá Lê Nguyên Sáng - Phó Trưởng Công an TP Sầm Sơn đã thông tin trên báo Lao động: “Ngay sau khi nhận được tin báo tố giác của người dân phường Quảng Vinh, Công an TP Sầm Sơn đã đưa vào quy trình giải quyết vụ việc. Chúng tôi sẽ điều tra, xác minh vi phạm ở mức độ nào thì xử lý ở mức độ đó”.

Theo những nạn nhân, việc đưa tiền cho chủ hụi vay đều xuất phát từ sự tin tưởng là người cùng địa phương, nên nhiều người đã góp hụi cho vợ chồng bà Dung.

Việc tham gia hụi bao nhiêu người, ai là người được lấy hụi trước, bà Dung không công khai. Chủ hụi chỉ thông báo riêng cho cá nhân khi đến kỳ được lấy hụi. Lãi suất của từng người cũng không giống nhau, chủ hụi tự thỏa thuận theo mối quan hệ cá nhân riêng, nhưng nhìn chung, mức lãi suất cao từ 3 đến 5 lần so với mức lãi suất huy động tiền gửi ngân hàng. Người góp ít thì vài chục triệu, người góp nhiều lên đến vài tỉ đồng.

Hiện nay, Công an TP Sầm Sơn đang phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý người dân, tránh việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự; phối hợp với cơ quan điều tra để sớm làm rõ và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Đây không phải vụ việc hiếm hoi xảy ra, đã rất nhiều người rơi vào nghịch cảnh khi đặt niềm tin vào các chủ hụi. Những vụ việc tương tự đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân khi tham gia các hình thức hụi, họ, biêu, phường. Nếu tham gia, cả chủ hụi và người góp hụi đều phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.