Mặc dù chưa hoàn thành công tác GPMB Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư thuộc khu danh lam thắng cảnh Mật Sơn, song đơn vị thi công đã tự ý san lấp đất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, người dân phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa cũng đã phản ánh, kiến nghị về mức đền bù giá đất không thỏa đáng đối với Dự án này.
Người dân không đồng tình với mức đền bù
Ngày 5/10/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3791/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu vực di tích thắng cảnh Mật Sơn, TP. Thanh Hóa, với tổng diện tích 91,7 ha được chia thành 2 khu vực phía Bắc và Nam. Trong đó, khu vực phía Nam là không gian xanh, thể dục thể thao và khu dành cho đất ở mới, đất tái định cư.
Đến nay, khu vực phía Nam đang được triển khai Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư thuộc khu danh lam thắng cảnh Mật Sơn với quy mô 21,11 ha tại phường Quảng Thắng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 180 hộ, GPMB đợt 1 được phê duyệt 143 hộ, hiện nay đã chi trả tiền bồi thường cho 100 hộ, còn lại 80 hộ chưa nhận bồi thường.
Trong quá trình thực hiện dự án đến nay đã bộc lộc nhiều bất cập về môi trường, nhiều xe vận chuyển VLXD để đất rơi vãi gây ô nhiễm bụi, đồng thời dự án cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề bồi thường đất nông nghiệp chưa thỏa đáng, đơn vị thi công tự ý san lấp vào khu vực chưa GPMB, phần đất của người dân chưa nhận đền bù gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể, theo đơn khiếu nại của tập thể người dân khu phố Vệ Yên 1, Vệ Yên 2, phường Quảng Thắng, người dân cho rằng: Thứ nhất, UBND TP. Thanh Hóa đã không bồi thường tài sản trên đất là cây sen với lý do “các hộ tự ý chuyển đổi trồng sen trên đất nông nghiệp (đất lúa) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” là không thỏa đáng, bởi do vị trí đất trồng lúa không có hiệu quả kinh tế nên người dân đã chuyển sang trồng sen để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Thứ hai, các hộ gia đình bị từ chối hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp với lý do chủ hộ hoặc thành viên trong hộ có lương hưu trong khi thực tế các hộ gia đình này gồm nhiều người trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất thu hồi. Người dân kiến nghị mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với mức hỗ trợ bằng tiền 1,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương là quá thấp.
Bà Đỗ Thị Loan, phố Vệ Yên 2, phường Quảng Thắng cho biết: Dự án thu hồi 1 sào ruộng chỉ đền bù 32 triệu đồng. Mức bồi thường thấp không đủ để chúng tôi chuyển đổi nghề nghiệp. Rất mong các cơ quan nhà nước cần xem xét lại kiến nghị của người dân về giá bồi thường đất và mức hỗ trợ chuyển đổi nghề cho chúng tôi sao cho thoả đáng, để gia đình có kế sinh nhai, ổn định kinh tế.
Dân “tố” đơn vị thi công san lấp đất khi chưa nhận đền bù
Hơn 30 hộ dân phường Quảng Thắng có diện tích đất bị thu hồi đã làm đơn kiến nghị về đền bù giá đất, cây trên đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề sao cho thỏa đáng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng về nhu cầu ổn định cuộc sống. Đồng thời, cũng yêu cầu đơn vị thi công dừng ngay việc san lấp vào đất nông nghiệp của người dân khi chưa hoàn thành công tác đền bù.
Ông Lê Đình Năm, phố Vệ Yên 1 bức xúc: Chúng tôi không được đối thoại nhưng phía đơn vị thu hồi đất đã tự áp giá, không đúng với quy định của luật đất đai. Sau đó, đơn vị thi công còn tự ý đổ đất san lấp phần diện tích 193m2 đất nông nghiệp của gia đình. Người dân chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng, mới chỉ được phúc đáp 1 lần nhưng lại không thỏa đáng. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa sớm kiểm tra, giải quyết trên cơ sở pháp luật, đúng quyền lợi của người dân được hưởng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư thuộc khu danh lam thắng cảnh Mật Sơn tại phường Quảng Thắng đang được tổ chức thi công san lấp mặt bằng trên diện tích hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, bên cạnh vẫn còn hiện trạng cây lúa và sen. Một ngày có nhiều lượt xe tải cỡ lớn chở đất vào san lấp, các xe này làm rơi vãi đất, gây bụi ô nhiễm môi trường.
Trước những bức xúc, kiến nghị của người dân, ngày 17/8/2023, UBND phường Quảng Thắng đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản sự việc trên, nội dung có nêu: Trong quá trình san lấp Công ty Minh Tuấn đã san lấp vào một phần ruộng của ông Lê Đình Năm và ông Lê Đình Quân là 2 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Yêu cầu Công ty vét toàn bộ phần đất đã đổ lên ruộng, trả lại mặt bằng cho 2 hộ.
Ngày 18/8/2023, UBND phường Quảng Thắng đã có Công văn gửi Công ty Minh Tuấn, yêu cầu Công ty phải vét hoàn trả phần diện tích san lấp chưa GPMB. Trong quá trình thi công phải tổ chức nhân công thường xuyên vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực công trường, quét dọn, vệ sinh bùn đất do vận chuyển vật liệu thi công. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, có giải pháp phun nước chống bụi.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/8/2023, UBND phường Quảng Thắng tiếp tục có Công văn gửi BQL Dự án đầu tư và xây dựng UBND TP. Thanh Hóa, nội dung báo cáo nêu rõ: Trong quá trình thi công nhà thầu đã san lấp vào những thửa đất chưa được GPMB của các hộ dân, đồng thời xe chở vật liệu ra vào công trường làm rơi vãi vật liệu ra đường. Các hộ dân đã có kiến nghị nhiều lần với UBND phường. UBND phường đã nhiều lần làm việc với BQL Dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, tình trạng đổ đất san lấp vào những thửa đất chưa được GPMB vẫn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Đến nay, qua kiểm tra đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thành việc nạo vét hoàn trả theo yêu cầu.
Trao đổi với ông Phạm Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thắng cho biết: Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư thuộc khu danh lam thắng cảnh Mật Sơn thuộc quản lý của BQL Dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa, phường có trách nhiệm phối hợp GPMB, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Người dân cũng đã có kiến nghị về các chế độ bồi thường giá đất thấp, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Hiện nay, đơn vị thi công đang tiến hành san lấp mặt bằng, UBND phường Quảng Thắng đã yêu cầu đơn vị không san lấp vào diện tích đất chưa được đền bù.
Trước những mong mỏi cấp thiết của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm kiểm tra, làm rõ, lắng nghe những ý kiến thực tế, để giải quyết, đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, vừa thực hiện phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân.