Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đang xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự...
Các đối tượng sử dụng phương thức truyền thống nhưng tinh vi hơn như dán quảng cáo, phát tờ rơi nhưng không mở văn phòng, điểm giao dịch, giao dịch thông qua điện thoại (Zalo, Facebook), không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, chỉ yêu cầu cung cấp hình ảnh cá nhân, số điện thoại của người thân. Một số đối tượng khác, hoạt động cá nhân cho vay thông qua quan hệ quen biết...
Một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của “tín dụng đen” là lập các hợp đồng “giả cách” với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn “mua bán nợ”. Chủ nợ lập hợp đồng với công ty “mua bán nợ” (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay cố tình chây ỳ không trả nợ thì sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, mắm tôm...) để đòi nợ theo hợp đồng.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này hết sức tinh vi, khi cho các con nợ vay, các đối tượng yêu cầu các con nợ viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận bằng hình thức tín chấp để người vay ký nhận hoặc điểm chỉ và chụp ảnh lại vào máy điện thoại di động để sử dụng vào việc hạ uy tín hoặc uy hiếp gia đình, người thân nếu các con nợ không trả nợ đúng hạn.
Đây chính là những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” trong tình hình hiện nay. Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh Thanh Hoá khuyến cáo người dân như sau: Không cung cấp thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân lên các trang mạng như: Facebook, Zalo..., cũng như không tham gia vay mượn tiền qua các app điện thoại phổ biến hiện nay.
Không tham gia vào các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; khi phát hiện trên địa bàn mình cư trú có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thì kịp thời tố giác với Cơ quan Công an các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các công ty luật núp bóng đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, đối tượng nghi vấn liên quan đến hành vi đòi nợ thuê, đổ chất bẩn, chất thải...
Trong trường hợp người thân có vay nợ của các đối tượng “tín dụng đen”, khi bị các đối tượng gọi điện thoại cho những người thân trong gia đình “khủng bố” đòi nợ thì phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập.
Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng; thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên; sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.
Đối với các trang Facebook cá nhân, có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ, như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống...
Hoài Thu