Bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch

   

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá, hơn một tháng nay, hệ thống giám sát đã ghi nhận các báo cáo về tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) xảy ra tại các trường học với số ca bệnh có chiều hướng gia tăng tại TP Thanh Hóa, Hà Trung, Thạch Thành, Quan Hóa, Quảng Xương...

Bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nguy cơ bùng phát dịchBác sĩ Bệnh viện Mắt Thanh Hoá kiểm tra tình trạng đau mắt đỏ cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hoá), hơn 1.000 học sinh các khối lớp đã được giáo viên thường xuyên hướng dẫn cách phòng bệnh đau mắt đỏ.

Bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nguy cơ bùng phát dịchGiáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đau mắt đỏ.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám Nguyễn Thị Tâm cho biết, hiện tượng học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ ngày khai giảng năm học 2023-2024 và lây lan mạnh trong những ngày gần đây, mỗi lớp có từ 5 đến 10 em mắc bệnh.

Ngay sau khi phát hiện học sinh có triệu chứng đau mắt đỏ, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đón trẻ về để điều trị, tránh lây lan. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cách phòng, chống dịch đến phụ huynh thông qua group Zalo của trường, lớp; nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh và các bước phòng tránh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Trường bố trí nhân viên y tế và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quan sát học sinh trước khi vào lớp; hướng dẫn phụ huynh khi con có biểu hiện đau mắt đỏ phải báo nhà trường và cho trẻ nghỉ học.

Tại Trường Tiểu học Tân Sơn (TP Thanh Hóa), đến thời điểm này còn 12 học sinh đau mắt đỏ phải nghỉ học. Nhà trường đã phối hợp Trạm Y tế phường triển khai các biện pháp, kịp thời ngăn chặn không để bệnh lây lan diện rộng.

Cô giáo Phùng Thúy Hào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn cho biết, ngay khi ghi nhận có học sinh đau mắt đỏ, Ban Giám hiệu nhà trường đã thông tin đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên về tình hình dịch đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố. Khi trong lớp có học sinh bị đau mắt đỏ, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc phụ huynh cho con nghỉ học đến khi khỏi bệnh để tránh lây lan cho các bạn khác.

Đồng thời, nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh hướng dẫn các con thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, nhỏ mắt, không đưa tay dụi mắt; khám, điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên vệ sinh phòng học, khuôn viên, bảo đảm môi trường thông thoáng để hạn chế dịch bệnh lây lan.

 

Bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nguy cơ bùng phát dịchGia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Không chỉ trong các trường học, tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến thăm khám và điều trị ngoại trú.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung, trung bình mỗi ngày có từ 30-40 khám mắt, trong đó có khoảng trên 50% bệnh nhân đau mắt đỏ, tăng đột biến so với thời điểm trước đó.

Bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nguy cơ bùng phát dịchBác sĩ Bệnh viện Mắt Thanh Hóa thăm khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ.

Tại Bệnh viện Mắt Thanh Hoá, trong 1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày có đến 40 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám, tăng gần 3 lần so với các tháng trước. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện sớm, khám và điều trị kịp thời nên không xảy ra các biến chứng nặng. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bị biến chứng nặng dẫn đến đến suy giảm thị lực.

 
 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh – Cấp cứu Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, giao mùa là thời điểm dễ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Năm nay, dịch đến khá sớm và trùng vào thời điểm năm học mới bắt đầu khiến cho nguy cơ dịch lây lan trong học sinh.

Thông thường, bệnh đau mắt đỏ không ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân, nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Một số trường hợp nếu chủ quan có thể bị bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực.

Để chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ, ngăn ngừa nguy cơ lây lan, bùng phát trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tăng cường truyền thông và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi phát hiện có các triệu chứng như: sốt nhẹ kèm mệt mỏi; cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; chảy nước mắt và có ghèn dính mi khó mở mắt; nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Lưu ý, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

   

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do vi rút nhóm Adeno với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ, cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều dịch dử mắt và chảy nước mắt. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người. Hiện đau mắt đỏ chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.